Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

GIA QUYẾN VÀ CON CHÁU ĐỜI SAU CỦA TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN

GIA QUYẾN VÀ CON CHÁU ĐỜI SAU


       Trong bài này là đoạn trích trong bài " Dòng dõi Trần Nguyên Hãn và những nghi vấn". Mục đích của bài là muốn cụ thể hóa nội dung trong một nội dung lớn để mong bạn đọc có thể hiểu và cung cấp những tài liệu, nhân chứng cho ban biên tập được rõ hơn.

        1. Thân sinh:

            Ông là hậu duệ của thái sư chiêu minh vương Trần Quang Khải và đại tư đồ Trần Nguyên Đán, hầu hết tài liệu cho rằng ông là con của Trần Án. Tuy nhiên có các ý kiến khác nhau về thân thế của ông: là cháu nội hoặc là chắt nội của Trần Nguyên Đán.

       Một là, giả thuyết cho rằng Trần Nguyên Đán sinh Trần Mộng DưTrần Thúc DaoTrần Thị TháiTrần Thúc QuỳnhTrần Thị Thai. Trần Thị Thái lấy Nguyễn Phi Khanh (tức Nguyễn Ứng Long) sinh hạ Nguyễn Trãi, Nguyễn Hùng…Trần Thị Thai lấy Nguyễn Hán Anh. Hai ông đều được mời làm gia sư dạy học của hai bà. Trần Thúc Quỳnh sinh Trần Thuần Đức; Trần Thuần Đức đổi tên là Trần Án sinh ra một số người con trong đó có Trần Nguyên Hãn. Như vậy trong trường hợp này Trần Thuần Đức chính là  Trần Án và Trần Nguyên Hãn là chắt nội của tư đồ Trần Nguyên Đán, là cháu qua cát với Nguyễn Trãi. Gia phả họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh và gia phả họ Trần làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đều cho rằng như vậy (Khi viết thì gia phả họ Trần làng Lệ Sơn: Trần Thuần Đức thành Trần Thuận Đức).
        Hai là, giả thuyết cho rằng Trần Nguyên Đán sinh ra Trần Mộng Dư, Trần Thúc Dao, Trần Thị Thái, Trần Thúc Quỳnh, Trần Thị Thai và Trần Án. Trần Thị Thái lấy Nguyễn Phi Khanh (tức Nguyễn Ứng Long) sinh ra Nguyễn Trãi, Nguyễn Hùng…. Trần Thị Thai lấy Nguyễn Hán Anh. Hai ông đều được mời làm gia sư dạy học của hai bà. Trần Thúc Quỳnh không sinh ra Trần Thuần Đức mà là Trần Án chính là Trần Thuần Đức. Trần Án sinh ra Trần Nguyên Hãn. Như vậy trường hợp này thì Trần Nguyễn Hãn vẫn là cháu nội của tư đồ Trần Nguyên Đán và là anh em với Nguyễn Trãi.
        Trần Nguyên Hãn chuyên cư tại Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Có thuyết cho rằng Trần Án và bà Lê Thị Hoàn về Sơn Đông vừa lẫn trốn sự truy sát của Hồ Quý Ly và sau này là giặc Minh; vì tại Sơn Đông là nơi ông Đỗ Khắc Chung là quan đầu triều của triều Trần về quy ẩn làm nghề dạy học, tạo tiền đề sản sinh ra 12 tiến sĩ, nhiều người ra làm quan thành rường cột của nước nhà cho nên làng này được gọi là làng Quan tử. Chính vì vậy dù thất thế nhưng ông bà Trần Án sinh ra Trần Nguyên Hãn tại đây vẫn được ăn học chu đáo và sau này ông tham gia, đóng góp lớn cho nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi đã minh chứng điều đó.

        Có thông tin cho rằng Trần Thuần Đức chạy về thôn Hạ, xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc trấn Sơn Tây vì đây là nơi sinh ra Nguyễn Trãi và các người con khác với của Nguyễn Phi Khanh. Ở đây có họ Trần thờ Trần Thuần Đức; gia phả ghi rằng Thuần Đức sinh ra Chính Trực, Chính Trực sinh ra Chính Đạo và không nói gì đến Trần Nguyên Hãn. Khi giải thích cho giả thuyết thứ ba nêu trên thì được kiến giải như sau: ông Thuần Đức (tức Trần Án) sinh nhiều con trai trong đó có người con lớn ở xã Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội còn Trần Nguyên Hãn là người con trai khác sinh ra và lớn lên ở Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
       Ba là, giả thuyết cho rằng Trần Án là chú ruột Trần Thuần Đức (vốn là con của Trần Thúc Quỳnh), tức là con của Trần Nguyên Đán, là em của Trần Mộng Dư, Trần Thúc Dao, Trần Thị Thái, Trần Thúc Quỳnh, Trần Thị Thai, lấy bà Lê Thị Hoàn sinh ra Trần Nguyên Hãn. Như vậy trong trường hợp này Trần Nguyên Hãn là cháu nội của tư đồ Trần Nguyên Đán, là anh em với Trần Thuần Đức và Nguyễn Trãi (xem bài)
        
       Năm sinh của Trần Nguyên Hãn vẫn còn chưa được thống nhất: Gia phả họ Trần Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc và họ Đào Trần Minh Nông, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đều cho rằng ông sinh ngày 1 tháng 2 năm Bính Dần (1386), còn gia phả họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh ghi rằng ông sinh ngày 1 tháng 2 năm Canh Ngọ (1390). Ngày 1 tháng 2 hằng năm, tại Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn trên cả nước tổ chức kỷ niệm ngày sinh của ông. Năm sinh của Đại tư đồ Trần Nguyên Đán là Bính Dần (1326). Nếu Nguyên Hãn sinh năm Bính Dần (1386) thì ông và Trần Nguyên Đán cách nhau 60 năm; nếu sinh năm Canh Ngọ (1390) thì ông và Trần Nguyên Đán cách nhau 64 năm. Theo nhiều sử liệu và gia phả họ Nguyễn là hậu duệ của Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội đều cho rằng Nguyễn Trãi sinh năm Canh Thân (1380), là con trai trưởng của Nguyễn Phi Khanh với bà Trần Thị Thái. Thông thường những người con trai và gái kế cận nhau trong một gia đình thì người con gái lấy chồng trước khi người con trai lấy vợ. Chính vì lẽ đó Nguyễn Trãi sinh trưởng trước Nguyên Hãn khoảng 6 đến 10 năm là thời gian khá hợp lý. Chính vì thế khi cho rằng ông là cháu nội tư đồ Trần Nguyên Đán là giả thuyết hợp lý hơn là vai trò chắt nội.
         b. Gia quyến:
        Trần Nguyên Hãn có 3 vợ. Với 2 vợ đầu, ông có 3 con trai. Lê Quý Đôn [[26]] chép rằng ông bị bắt về kinh sư cùng người vợ thứ ba và người con nhỏ mới sinh (hài đồng tử). Sau khi ông chết, Lê Lợi cho bắt hai mẹ con bà này về kinh quản thúc, gia sản của Trần Nguyên Hãn bị tịch thu.
      Theo Gia phả các chi họ ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc,[[27]] thì Trần Nguyên Hãn có ba vợ, hai người vợ đầu là:
      - Bà cả (không ghi tên) người làng Cao Phong, xã Văn Quán [[28]]. Ông bà sinh hạ được một con trai là Trần Doãn Hựu, tự là Trung Khang. Trước khi ông Trần Nguyên Hãn xuống thuyền về kinh (theo lệnh triệu hồi của Lê Lợi), ông cho mẹ con bà chạy trốn vào rừng Thần; sau trở lại Sơn Đông.
      - Vợ thứ hai là bà Lê Thị Tuyển [[29]]. Ông bà sinh hạ hai con trai là Trần Trung Khoản và Trần Đăng Huy, tự là Trung Lương. Khi Trần Nguyên Hãn xuống thuyền về kinh, ông cho ba mẹ con bà Tuyển chạy trốn sang làng Kẻ Nú, phủ Tam Đới huyện Phù Khang, trấn Tây Sơn. Sau người con lớn Trần Trung Khoản tiếp tục bỏ đi và đổi ra họ Quách.[[30]] và Trần Đăng Huy đổi sang họ Đào.
     - Bà thứ ba: Có tên gọi là bà Chúa Lôi, ở làng Xuân Lôi, tổng Văn Bình xưa. Bà và 2 con trai theo ông về Thăng Long, khi thuyền chìm thì người ta đã cứu được bà và một người con của ông.
Theo gia phả các chi họ Trần làng Lệ Sơn xã Văn Hóa huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, có vị thủy tổ là Đại học sĩ giám sinh quốc tử giám Trần Cảnh Huống thì ghi rằng Trần Nguyên Hãn có ba vợ, sinh hạ được các người con như sau:
      - Con trai đầu là Trần Đăng Huy và con trai thứ hai là Trần Đăng Duy của người vợ thứ hai.
      - Con trai thứ ba là Trần Cảnh Nông của người vợ đầu.
      - Con trai út và con gái út của người vợ thứ ba.
       

1 nhận xét: