Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

DANH XƯNG HAY TÔN HIỆU QUẾ HOA NƯƠNG (Phần 2)

DANH XƯNG HAY TÔN HIỆU QUẾ HOA NƯƠNG
(Phần 2: Phu nhân Quế hoa nương)

Theo như tôi được biết các danh xưng hay tôn hiệu “Quế hoa nương” ở nước ta có ít nhất là 4 người mang danh hiệu này theo thứ tự thời gian:

-         Một là, danh xưng Quế hoa nương tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng giai đoạn 40 – 43, được phong tặng là Công chúa Quế hoa (xem bài).
-         Hai là, danh xưng Quế hoa nương là một trong các phu nhân của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn sinh ra một vương tử tên là Trần Hưng Hồng.
-         Ba là em gái của Bạch Mã tướng quân Vũ Duy Dương người tỉnh Ninh Bình bị mưu sát ở Thanh Hóa được vua Lê truy phong là Quế hoa nương (xem bài)
-         Bốn là, danh xưng tổ cô Quế hoa nương trong gia phả họ Trần có nguồn gốc là hậu duệ tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn ở Nghệ Tĩnh (xem bài).
Ngoài ra còn một vị nữa mang tên Công chúa Quế hoa, con gái của Hoàng tử, Hữu tướng quốc, Quốc vương Lê Tư Tề. Tuy nhiên bà này không có danh xưng hay tôn hiệu là “Quế hoa nương”
      Sau đây chúng ta từng bước xem thông tin từ các danh xưng trên:

       PHẦN II: TÂY CUNG PHU NHÂN QUẾ HOA NƯƠNG.
      Vào thời Lý Thần Tông ở Xuân Quan có vợ chồng Nguyễn Thành - Nguyễn Thị Nga lấy nhau hơn 20 năm chưa có con. Họ đi cầu tự ở chùa Hương, về nhà bà Nga ứng nghiệm có thai 12 tháng. Ngày 12-4 bà sinh hạ một con gái, không dám đặt tên mà chỉ gọi là Nương Tử. Năm Nương Tử 12 tuổi thì cả hai ông bà đều qua đời. Bà dì ở Đại Trạch đón Nương Tử về nuôi. Hai năm sau bà dì muốn gả chồng cho cháu nhưng Nương Tử không chịu và đã cắt tóc đi tu, rồi sau đó theo học thầy Từ Đạo Hạnh ở Hà Nội ( khu vực Hà Tây cũ). Vài tháng sau Nương Tử đắc đạo, thầy Từ Đạo Hạnh đặt tên cho là Pháp Thông. Pháp Thông về Xuân Quan dựng chùa, dùng phép giúp đỡ dân làng. Bốn năm sau, khi Pháp Thông 18 tuổi thì hoá về trời vào ngày rằm tháng tám. Dân làng thương nhớ tạc tượng đặt thờ ở chùa. Pháp Thông thường linh hiển mỗi khi dân làng cầu mưa để sản xuất.
      Vào thời Trần, gần Xuân Quan là hai làng Tứ Kì và Ư Trì thuộc xã Đại Trạch cổ, quê hương Quế Hoa nương, vị tây cung phu nhân của Hưng Đạo vương. Năm ngoài ba mươi tuổi tây cung Quế Hoa nương nằm mơ thấy một vị tiên ông râu mày xanh, đầu đội mũ bách linh, mình mặc áo long bào màu tía, đai ngọc rực rỡ, cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ xuống trao cho một nắm râu rồng, một quả ấn vàng và nói: “Đây là Ngọc Hoàng ban cho để làm báu vật”. Rồi tiên ông ngâm tặng bài thơ:
Long tu thiên bảo hứa trầm gia
Hậu đức lưu quang nhật nhật da
Phúc trạch lưu chuyên vi quốc bảo
Phương danh vạn cổ đối sơn hà.

Tạm dịch:
Râu rồng trời ban tới nhà này
Để đức về sau sáng ngày ngày
Phúc nhà chuyển hoá thành quốc bảo
Danh thơm còn để nước non này.
        Đệ nhị cung phi Quế Hoa nương tỉnh dậy liền kể lại rõ ràng cho Hưng Đạo vương biết. Vương nói: “Nhà ta phúc đức có thừa nên trời ban điềm tốt. Khí đất linh thiêng hẳn có thiên tài giúp nước mà giáng làm con ta vậy”. Sau đó Quế Hoa nương có thai rồi sinh hạ một trai vào giờ Thìn ngày 12/1/1264 âm lịch. Ngay từ lúc mới sinh người con trai đã có tướng mạo phi phàm, bản chất nghiêm chỉnh giống cha, mạnh khoẻ như gấu, mắt sáng như sao, hàm én râu rồng, mày hổ trán lân, tay dài quá gối, bụng to rốn sâu, tướng người rất lạ, người đời khó ví. Vương rất yêu quý, đặt tên là Trần Hưng Hồng. Lên năm tuổi Trần Hưng Hồng về Vĩnh Thế học thầy Lý Đường tiên sinh. Ngày 4-5-1278 Quế Hoa nương tạ thế. Ba năm sau Trần Hưng Hồng dự thi đỗ tiến sĩ, được vua Trần cử giữ chức tham tri chính sự. Trước nguy cơ quân Nguyên chuẩn bị xâm phạm bờ cõi, Trần Hưng Hồng đem 1.000 quân bản bộ về đóng tại Đại Trạch, lập quân doanh ở tại đầu làng, trước có ao lớn, sau có gò cao, bên trái có giếng to, bên phải có đường thiên lí. Ngày 29-10 trong khi đi thị sát đội hình, tướng quân Trần Hưng Hồng gặp gỡ nàng Đặng Phương Dung xinh đẹp, con gái ông bà Đặng Thành, bèn xin cưới làm phu nhân. Năm sau quân Nguyên tiến sang xâm chiếm nước ta. Tướng Trần Hưng Hồng, thứ nam của Hưng Đạo vương, phụng mệnh đóng quân doanh ở Đại Trạch đánh quân Nguyên Mông lại được Pháp Thông hiển linh giúp đánh thắng giặc. Trần Hưng Hồng đem quân hợp binh với cha dốc sức đánh giặc, trải nhiều trận chiến quyết liệt, cuối cùng giành thắng lợi, được vua Trần phong là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ thượng thư, kiêm tri khu mật, thái bảo, Kiêm quốc công. Tướng Trần Hưng Hồng đã tâu xin vua Trần phong là “Đại thánh Pháp Thông phật” và ban tiền để sửa sang tượng phật, nhà chùa. Ngày 12-5-1303 Trần Hưng Hồng quốc công cùng Phương Dung phu nhân về thăm quê Đại Trạch, ban thưởng rất hậu cho dân làng. Trong chuyến đi này Phương Dung phu nhân bị cảm qua đời, mộ táng tại gò đất hình con công gần quân doanh ngày trước. Năm sau, vào ngày 10-3-1304 Trần Hưng Hồng quốc công về viếng mộ phu nhân thì lại bị cảm và qua đời tại làng, mộ táng tại sinh phần do ngài đã chọn từ trước gần mộ phu nhân. Vua Trần hay tin cử quan đại thần về tế lễ, cho xây lăng, lập đền thờ tại dinh cũ, phong là Hưng Hồng vương và cho dân hai làng Tứ Kì, Ư Trì thờ làm thành hoàng.Đến nay lăng Hưng Hồng vương chỉ còn phần chính tẩm, đền thờ còn nguyên vẹn gồm 5 gian tiền tế và hậu cung, có tượng Hưng Đạo vương, Quế Hoa nương, Hưng Hồng vương và nhiều đồ thờ, nghi trượng, hoành phi, câu đối, sắc phong... 
        Phật Pháp Thông được thờ chính ở chùa Huệ Trạch quê nhà (thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Các làng Đại Trạch, Ư Trì (xã Đình Tổ) cũng thờ phật Pháp Thông. Đặc biệt, vào ngày 12-4 âm lịch hằng năm dân hai làng này tổ chức “lễ tạ ân” rất trọng thể để rước phật Pháp Thông. Theo văn bia “Đại thánh Pháp Thông phật phả lục” do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thời Lê Chân Tông.
          Để tưởng nhớ thành hoàng với chiến công bình Nguyên hiển hách có sự phù trợ của phật Pháp Thông, hai làng Đại Trạch và Ư Trì hằng năm đều tổ chức lễ tạ ân trọng thể. Ngày 7-4 làm lễ hạ toà. Ngày 10-4 rước tập ở Đại Trạch. Ngày 11-4 toàn dân lên chùa Xuân Quan rước phật Pháp Thông về chùa Hương Thuỷ tế lễ trai giới tụng kinh ba ngày, dân hai làng mở hội đông vui, có thả chim, đấu cờ, đấu vật. Ngày 14-4 rước phật hồi cung ở chùa Xuân Quan.
Theo quan niệm dân gian địa phương, lễ hội tạ ân phải có rước phật thì dân được mạnh khoẻ, an khang, mùa màng bội thu, vật thịnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng lễ tạ ân thực chất là lễ hội mừng chiến thắng chống giặc Nguyên của dân ta đã được "thiêng hoá". Còn chúng ta lại thấy thông qua hình tượng phật Pháp Thông và lễ tạ ân này mà người phụ nữ một lần nữa lại được tôn vinh dưới cách thức độc đáo.
                                                                                                   Nguồn: Tác giả Phạm Thuận Thành

1 nhận xét:

  1. Nếu tác giả muuos đăng ảnh vào bài này, TG cần lưu file ảnh trong 1 thư mục của máy tính. Trong quá trình soạn thảo hoặc copy patse muốn chèn ảnh TG cần di chuột trên thanh công cụ phía trên ô soạn thảo trỏ vào cửa sổ "Chèn ảnh" hay tiếng Anh "Insert Picture" rồi tải ảnh trong thư mục chứa ảnh cần đăng, chọn ảnh tải ảnh xác nhận. Kích chuột phải viết ghi chú, chon cỡ và vị trí đặt ảnh trong bài viết, có thể kết hợp chuột.
    TG nên phân trang và khai thác các chức năng hiện có của Blogspot trong phần thiết kế bố cục...

    Trả lờiXóa