Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Trích gia phả họ Trần Làng Long Đống

PHẢ KÝ
         1. Quá trình phát triển dòng họ:                                                    
        Tổ tiên dòng họ ta xưa gia phả bị rách nát cho nên từ đời ông Thỉ tổ về trước không được rõ và sau đó 5 đời về sau cũng chỉ biết sơ lược mà thôi.
        Theo sự truyền miệng của các bậc cha anh thì ông tổ họ ta là ông Trần Dĩnh Xuyên, tên húy là Sỹ, trước ở vùng huyện Thạch Hà [1], tỉnh Hà Tĩnh, không rõ làng xã.
       Khoảng đời nhà Lê, thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, ông đưa mộ cha mẹ, ông bà ra táng tại quê ta và đem 3 người con trai ra đây lập nghiệp khoảng gần 400 năm.
       Thời đó vì sợ bắt lính (theo lệ nhà Vua nếu 3 đinh bắt 2; 2 đinh bắt 1), vì nếu đi lính thì không tránh khỏi cảnh “nồi da nấu thịt”; bởi thế ông gửi 2 người con trai của mình đi 2 nơi khác nhau. Người con thứ hai lên Láng Thôn xã Thông Lãng (xóm 9 xã Hưng Thông ngày nay). Người con thứ ba gửi tại làng Yên Pháp (nay thuộc vùng tiếp giáp xã Hưng Phúc và xã Hưng Thịnh ngày nay). Con trưởng là Trần Đăng Vinh để lại quê ta.
       Vậy ông Trần Đăng Vinh là ông tổ đầu tiên sáng lập ra họ Trần tại làng Long Đống, tức là vùng xóm 14 xã Hưng Tiến ngày nay.
        Ông Trần Đăng Vinh bình sinh học hành thông minh, thông hiểu thiên văn địa lý. Ông đưa mộ cha là ông Trần Dĩnh Xuyên táng tại Hòn Phủ - Rú Thành, ngôi mộ tựa vào án núi, 2 bên có hai dãy núi cao ôm lại, phía Đông có thành đá ong của thành Nghệ An năm xưa, nhìn về phía Tây có cánh đồng bát ngát, thơ mộng, ngoảnh mặt ra trước ngã ba phủ chợ Tràng, nơi mà “ Nhật bách bái, Dạ bách Đăng”, nghĩa là ban ngày có hàng trăm chiếc thuyền trên dòng sông Lam như chúc đầu bái vào mộ; ban đêm có hàng trăm ngọn đèn sáng bái vào mộ tổ. Thật là một danh lam thắng cảnh hiếm có. Còn mộ mẹ ông táng tại Bàu Khanh, đứng trên mộ ông nhìn về rất rõ.


         Riêng ông Trần Đăng Vinh tạo 3 sào ruộng tại xứ Đồng Vịt, làng Văn Xá. Ông bà làm nhà ăn ở và mở trường dạy học ở đó. Khi ông bà mất, mồ mả táng tại 3 sào ruộng đó với 2 ngôi mộ rất to (Chữ gọi là “sinh cư tử táng”, nghĩa là khi sống ở đó thì khi mất thì táng ở đó luôn. Vì theo địa lý thì nơi đây là đất kết phát, con cháu đông đúc và làm nên danh vọng.
   Còn con ông là Trần Phúc Quán đem lên lập gia cư tại làng Long Đống xã Hưng Tiến ngày nay, và từ đó con cháu ngày một trưởng thành đông đúc đời này qua đời khác tại làng Long Đống ta vậy.


PHẢ HỆ - PHẢ ĐỒ

CÁC ĐỜI ÔNG TỔ DÒNG HỌ

SƠ TỔ THỨ NHẤT:

 -  Ông tổ (không có húy tự) gọi là ông Thắng, bà Thắng.
       Tỵ tổ khảo tục hiệu hô danh:
v     Ông Thắng: mất ngày 01/3 (mộ không rõ)
       Tỵ tổ tỷ tục hiệu hô danh:
v     Thắng: mất ngày 24/3 (mộ không rõ).
   
SƠ TỔ THỨ HAI:

Ông tổ (không có húy tự) gọi là ông Rường, bà Rường.
        Tỵ tổ khảo tục hiệu hô danh:
v     Ông Rường: mất ngày 05/9 năm Mậu Tý (mộ táng tại Dăm Chiêu)
       Tỵ tổ tỷ tục hiệu hô danh:
v     Rường: mất ngày 23/3 (mộ táng tại Lộ Mội).


ĐỜI THỨ NHẤT:

       -  Ông tổ đời th nhất: ông Trần Dĩnh Xuyên
       Là thủy tổ Đại tôn họ Trần ta, tên húy là Sỹ, hiệu là Dĩnh Xuyên quận[2].Ông lấy vợ con gái đầu lòng người họ Nguyễn (có gia phả ghi họ Hồ), húy là Dỏng hiệu là Trần Lưu quận[3]. Nghe truyền ông bà có 3 người con trai: con trai trưởng là Trần Đăng Vinh (tổ của họ Trần làng Long Đống), con trai thứ hai không rõ tên, tục gọi là ông Thầy sống ở Láng Thôn xã Thông Lãng  (nay là xóm 9, xã Hưng Thông, tọa độ: +18° 37' 58.32", +105° 36' 51.07"), con trai thứ ba không rõ tên ký gửi tại làng Yên Pháp (nay thuộc địa phận tiếp giáp 2 xã Hưng Phúc và Hưng Thịnh).
Tổ cô bà: Trần Thi Lãm (hay Thị Lạm).
Tổ cô bà: Trần Thị Văn
         Tứ đại tổ cô bà hiệu Quế Hoa Nương (mất ngày 12/2)
         Các bà tổ cô trên đây không không rõ là thế thứ như thế nào.
       Gia phả gốc bằng Hán văn do ông Trần Đức Cảnh tục biên không ghi rõ năm sinh năm mất của ông thủy tổ, chỉ biết ngày mất của ông là ngày 14/3, mộ táng tại Hòn Phủ, Rú Thành (hướng cấn, tọa độ gần đúng: 18°35'13.1"B 105°37'59.8"Đ, trong đó B: vĩ độ bắc, Đ là kinh độ đông). Bà thủy tổ mất ngày 13/10 (có tài liệu ghi 12/10) năm Mậu Tý (có thể là năm 1708 ?), mộ cải táng tại xứ Bàu Khanh (đinh long nhập thủ, tọa Dậu hướng Mão).



ĐỜI THỨ HAI:

        - Ông tổ đời thứ hai: ông Trần Đăng Vinh
        Gia phả ghi tên ông là Hồ Đăng Vinh và không nêu rõ lý do ông mang họ Hồ, húy Đao, là con trai trưởng ông Trần Dĩnh Xuyên. Ông lấy vợ con gái thứ hai họ Phan, húy Thị Khoản sinh hạ được 1 con trai tên là Trần Phúc Quán. Ông bình sinh học giỏi, đậu hiệu sinh, được miễn binh sĩ. Ông bèn tạo 2 sào ruộng xứ Đồng vịt, làng Văn Xá (tức là xóm 16 xã Hưng Thắng ngày nay) cùng xã (tức là xã Trung Mâu), giữa ruộng có huyệt mã tốt, ông bèn làm nhà trên ruộng, mở trường dạy học trò.
         Ông  sinh năm Nhâm Ngọ (1642)[4], mất ngày 10/8, mộ táng tại thửa ruộng ấy xứ đồng vịt làng Văn Xá (tọa độ: +18° 37' 45.36", +105° 38' 31.92").
        Bà sinh năm Bính Ngọ[5], mất ngày 09/8, mộ cùng táng tại phía bắc ruộng ấy xứ đồng vịt làng Văn Xá.
       Hiện nay mộ 2 ông bà đã được cải táng đưa về tại Đình Nam (tọa độ khu vực: +18° 36' 48.36"B, +105° 37' 25.44"Đ).
         Họ ta lấy ông làm tổ sáng lập, hàng năm xuân thu nhị kỳ chính tế, lấy ông là vị tổ chính để tế, đời đời không thay đổi.
         Hiệu bụt:
         Tổ khảo tiền bản phủ hiệu sinh Hồ quý công tự Đăng Vinh thụy minh mẫn phủ quân.
         Tổ tỷ tiền tòng phu bản phủ hiệu sinh Hồ quý công chính thất Phan thị hạng nhị nhụ nhân.



ĐỜI THỨ BA:

        - Ông tổ đời thứ ba: ông Trần Phúc Quán
      Húy Phan, hiệu Phúc Quán, là con trai thừa tự ông Trần Đăng Vinh. Ông cũng học giỏi nối nghiệp cha đậu hiệu sinh lấy nghề dạy học làm gốc, bản tính hiền hậu, gia tư phong phú. Ông lấy vợ con gái thứ ba họ Hoàng, húy Thị Hành sinh hạ 6 con trai:
  1. Trần Hồ Viện (Tổ chi trưởng)
  2. Trần Hồ Dĩnh (Tổ chi 2)
  3. Trần Như Kim (Tổ chi 3)
  4. Trần Hồ Việp - có tài liệu ghi tên ông là Trần Hồ Hoa (tổ chi 4)
  5. Trần Hồ Toại (Tổ chi 5)
  6. Trần Danh Hoán (mất sớm)

       Ông sinh năm Ất Sửu (1685)[7], mất ngày 13/3 năm Kỷ Mùi (1739), thọ 55 tuổi, phần mộ an táng tại Cổ Cò (Thân long nhập thủ, tọa Khôn hướng Cấn, Ất Sửu vị phân kim), nay chuyển lên Bàn Cau – Đình Nam.
      Bà sinh năm Nhâm Tuất (1682), mất ngày 07/11 năm Đinh Sửu (1757), thọ 76 tuổi, mộ táng xứ Bàn Cau Đình Nam (Mộc tinh kết cục, đinh long nhập thủ, tọa Khôn hướng Cấn, Ất Sửu Ất vị phân kim).
      Hiệu bụt:
      Tổ khảo tiền bản phủ hiệu sinh Trần quý công tự Phúc Quán, thụy nhã thực lạc đạo phủ quân.
      Tổ tỷ tiền bản phủ hiệu sinh Trần chính thất Hoàng quý thị hiệu từ diệu nhụ nhân.






[1] Danh xưng Nghệ An vào năm Canh Dần (1030) do Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (là con trai thứ 8 vua Lý Thái Tổ, là em của vua Lý Thái Tông) đặt. Tại thời điểm ông thủy tổ chúng ta về đất Hưng Nguyên thì cũng chưa có tên tỉnh Hà Tĩnh. Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. Huyện Thạch Hà lúc đó có quy mô khá rộng lớn bao gồm huyện Thạch Hà ngày nay, TP Hà Tĩnh, một phần của huyện Lộc Hà và Can Lộc.
[2] Có ý nghĩa là họ Trần
[3] Có ý nghĩa là họ Nguyễn
[4] Năm Dương Hòa thứ 8 vua Lê Thần Tông, chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng.
[5] Nếu bà sinh năm Bính Ngọ có thể là năm 1606 hoặc 1666. So với ông Đăng Vinh (sinh Nhâm Ngọ 1642) thì không được hợp lý, bởi nếu là năm 1606 thì bà hơn ông 36 tuổi, nếu là năm 1666 thì ông hơn bà 24 tuổi. Như vậy ta chỉ có thể lấy năm sinh của một người làm chuẩn rồi suy ra năm sinh của người kia và ngược lại. Trường hợp thứ nhất: Khi lấy năm sinh Nhâm Ngọ 1642 của ông làm chuẩn thì tuổi của bà phù hợp nhất là năm Bính Tuất 1646, lúc đó ông có người con trai Phúc Quán lúc 43 tuổi. Trường hợp thứ hai: nếu lấy năm sinh Bính Ngọ 1666 của bà làm chuẩn thì năm sinh của ông hợp lý nhất là Nhâm Dần 1662, lúc này ông vẫn hơn bà 4 tuổi, ông hơn con trai là Phúc Quán 23 tuổi (sinh năm Ất Sửu 1685). Theo tôi thì tôi nghiêng về trường hợp thứ hai nhiều hơn.
[6] Đây là cách đọc theo phương ngữ Nghệ Tĩnh
[7] Năm Chính Hòa thứ 6 vua Lê Hy Tông, chúa Nam Định Vương Trịnh Căn
(xem rõ sơ đồ)

8 nhận xét:

  1. Trần Phương Mailúc 09:13 28 tháng 7, 2014

    Có một họ Trần Đức ở xã Thạch Khê vào thờ ông tổ Trần Đức Dật vào đất Phong Phú (nay là Thạch Khê) khá phù hợp với thời gian ông tổ của bạn đấy (vào khoảng 1562)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã quan tâm, đã cung cấp. Ban biên tập cũng đã liên hệ với họ Trần Đăng ở xã Thạch Khê, đã đọc gia phả nhưng chưa có liên hệ gì. Còn thông tin họ Trần Đức thì chưa biết số điện thoại hay ai là chuyên gia sử phả của dòng họ mà tìm hiểu và kết nối

      Xóa
    2. Ban biên tập cũng đã đọc cuốn: "văn hóa thạch khê truyền và dấu tích" của thầy Hoàng Minh Khoa, cũng có nội dung về họ Trần Đức mà ông tổ là Trần Đức Dật. Ban biên tập sẽ cố gắng trong thời gia sớm nhất liên hệ và tìm hiểu. Nếu bạn đọc nào ở Thạch Khê hay biết tin tức gì về các dòng họ Trần ở Thạch Hà, Hà Tĩnh nói chung thì hãy cung cấp thông tin cho chúng tôi nhé. Cảm ơn mọi người đã quan tâm

      Xóa
    3. Cảm ơn bạn Trần Phương Mai đã cung cấp tt. Mong muốn ai đó có biết về gốc gác tổ tiên dòng họ Trần ở Thach Hà vào khoảng thế kỷ 16, có ông thị tổ lưu lạc ra đất Nghệ An tên là: Trần Đăng Vinh làm nghề dạy học. Cụ mới về đất Thạch Hà đưa hài cốt của cha là ông Trần Dịnh Xuyên táng tại động Phủ ngọn núi Thành Sơn( thuộc đất Hưng Phú, H Lam, H Tiến ngày nay. Ông Trần Đăng Vinh sinh được 3 ông là: ông Trần Phúc Quán (nay thành họ trần làng Long Đống. Ông thứ hai tên ko rõ tự là ông Thầy lên lập nghiệp ở Hưng Thông. Ông thứ ba ra xứ Văn Xá(nay là Nghi Xá, Nghi Lộc, NA), nhưng chưa tìm dc. Trên nhà thờ họ ngày xưa còn có đôi câu đối:”Thạch Hà bản thụ thiên niên vượng; Long Đống đường chi vạn đại Hưng”. Do đó con cháu biết chắc chắn ông thị tổ là từ Thạch Hà đi ra Nghệ An, nên muốn tìm về cuội nguồn mà chưa được. Rất mong ai có manh mối nào thì báo cho con cháu hoặc ban biên tập được biết. Con cháu dòng họ trần Làng Long Đống rất biết ơn và xin cảm ơn trước. Hoặc báo qua điện thoại cho tôi: 0916122791, tôi là Trần Minh Thu sn 1959. Xin cảm ơn. Chúng tôi sẽ có chuyến vào tìm hiểu ở Thạch Hà nhưng còn quá mù mịt nên chưa đi được.

      Xóa
  2. Ban biên tập đã liên hệ với ban liên lạc với BLL dòng họ Trần Pháp Độ chưa (trước đây có tên là BLL dòng họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh)?

    Trả lờiXóa
  3. Người biên tập đã từng liên hệ và đưa phần tóm tắt phần đầu của gia phả cho ông Trần Thanh San - người chủ biên viết cuốn Trần tộc tân phả Nghệ Tĩnh nhưng thì có sự liên hệ là tổ cô Quế hoa nương và thủy tổ có hiệu là Dĩnh Xuyên quận. Tuy nhiên vẫn chưa kết nối được gia phả (vì gia phả chính là luận cứ rõ ràng để kết nối)

    Trả lờiXóa
  4. Ban biên tập thông báo!
    Ban biên tập hiện nay đã có 3 thành viên tích cực tham gia viết bài, đưa thông tin cho ban biên tập để viết và thảo luận cho trang blog. Tuy nhiên hầu hết các thành viên đều xa quê, có trình độ tin học còn hạn chế nên qua đây BBT thông báo cho mọi người hễ ai yêu mến trang blog này thì hãy tham gia viết bài, trở thành quản trị viên hay tác giả bài viết để trang ngày càng có nhiều sức hút với độc giả hơn. Xin hãy cung cấp địa chỉ email cho BBT chọn mời làm quản trị viên của blog.
    Xin trân trọng cảm ơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hãy cung cấp họ tên, nơi sinh sống và email để BBT tiện theo dõi làm cơ sở lựa chọn mời làm thành viên quản trị trang blog của cộng đồng họ Trần này

      Xóa